Di sản Casablanca (phim)

Casablanca sau khi ra đời đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử điện ảnh Mỹ. Murray Burnett đã nhận xét rằng bộ phim luôn "chân thực với ngày hôm qua, hôm nay và cả ngày mai".[77] Nhân dịp kỉ niệm lần thứ 50 ngày Casablanca được công chiếu lần đầu, tờ Los Angeles Times nhận xét rằng bộ phim đã đạt được sự cân bằng gần như hoàn hảo của cả ba thể loại phim ly kì, tình cảm và hài hước, tờ LA Times cho rằng sức sống lâu bền của bộ phim chính là tinh túy của các bộ phim Hollywood giai đoạn hoàng kim.[78] Theo nhà phê bình Roger Ebert thì Casablanca có lẽ là bộ phim nằm trong nhiều danh sách Phim hay nhất hơn tất cả các bộ phim khác, kể cả Công dân Kane: Công dân Kane "xuất sắc hơn" nhưng Casablanca "được yêu thích hơn".[15] Ebert cho rằng sự phổ biến của bộ phim đến từ cách xây dựng hình ảnh nhân vật vô cùng đẹp đẽ trong phim, theo sự phát triển của tình tiết phim, các nhân vật càng bộc lộ sự tốt đẹp của mình tuy rằng một số nhân vật như Laszlo được sáng tạo quá hoàn hảo tới mức thiếu thực tế.[15]

Ảnh hưởng

Áp phích The Good German (2006) được thiết kế tương tự với áp phích phim Casablanca để gợi nhớ tới bộ phim này.

Sức ảnh hưởng của Casablanca được thể hiện qua nhiều chi tiết của bộ phim được tái hiện trong các tác phẩm điện ảnh ra đời sau nó. Năm 1944, bộ phim Passage to Marseille tập hợp gần như toàn bộ dàn diễn viên chính của Casablanca với Bogart, Rains, Curtiz, Greenstreet và Lorre. Riêng Humphrey Bogart đã có thêm hai bộ phim có rất nhiều điểm tương tự với Casablanca, đó là To Have and Have Not (1944) và Sirocco (1951). Casablanca còn được gợi lại qua nhiều bộ phim khác như A Night in Casablanca (1946) của anh em nhà Marx, The Cheap Detective (1978) của Neil Simon, Brazil (1985) của Terry Gilliam, Barb Wire (1996) hay Out Cold (2001). Steven Soderbergh trong bộ phim The Good German (2006) đã tái sử dụng rất nhiều kỹ thuật quay và chi tiết phim của Casablanca để tưởng nhớ tới bộ phim, The Good German nói về một vụ giết người xảy ra tại Berlin thời hậu Chiến tranh thế giới thứ hai, tác phẩm được hoàn toàn quay bằng phim đen trắng và kết thúc bằng cảnh hai nhân vật chính (do George ClooneyCate Blanchett thủ vai) ở sân bay, tương tự với cảnh kết của Casablanca, thậm chí áp phích của bộ phim cũng được thiết kế tương tự với áp phích nổi tiếng của Casablanca. Nhiều bộ phim còn tưởng nhớ tới Casablanca thông qua chính tựa đề của nó, ví dụ bộ phim Play It Again, Sam (1972) của Woody Allen gợi tới câu thoại "Play it, Sam. Play As Time Goes By!" còn The Usual Suspects (1995) của Bryan Singer lại sử dụng câu thoại ở phần kết của Casablanca là "Round up the usual suspects". Bộ phim Caboblanco (1980) thì thậm chí gần như là một tác phẩm làm lại Casablanca với bối cảnh Nam Mỹ.[79] Bản thân hãng Warner Bros. vào năm 1995 cũng cho làm một bộ phim nhái lại Casablanca với tựa đề Carrotblanca, đây là một tập phim hoạt hình thuộc loạt Bugs Bunny. Trên truyền hình, ảnh hưởng của Casablanca có thể thấy rõ qua cốt truyện của bộ phim Overdrawn at the Memory Bank (1983) hay tập phim Casablanca của loạt Moonlighting trong đó hai nhân vật chính có tên "Rick" (Curtis Armstrong) và "Agnes" (Allyce Beasley). Trò chơi máy tính được đánh giá cao năm 1998 Grim Fandango cũng chịu nhiều ảnh hưởng của bộ phim, cụ thể rõ nhất là ở cảnh II, Rubacava, khi các nhân vật chính của game là Manny Calavera và Glottis mặc trang phục giống Rick Blaine và Sam.

Tại Hoa Kỳ, Casablanca luôn được chiếu lại trong tuần kiểm tra cuối kì của Đại học Harvard, truyền thống này đã được nhiều trường đại học Mỹ khác bắt chước.[80] Trong khi nhiều bộ phim sản xuất thập niên 1940 dần bị quên lãng theo thời gian thì Casablanca cho tới năm 1977 vẫn là tác phẩm điện ảnh được chiếu lại nhiều nhất trên truyền hình Mỹ.[81] Năm 1982 trong một bài báo trên tờ American Film, Chuck Ross đã tuyên bố rằng ông vừa thử nghiệm việc đánh máy lại kịch bản Casablanca, chỉ thay lại tựa đề thành Everybody Comes to Rick's và thay tên nghệ sĩ chơi piano thành Dooley Wilson rồi gửi nó tới 217 đại diện môi giới. Trong số 85 đại diện đọc nó thì 38 đại diện thẳng thừng từ chối kịch bản này, 33 nhận ra được nó là kịch bản cũ (tuy chỉ có 8 là xác định được đây là kịch bản Casablanca), 3 nhận xét rằng nó có khả năng thương mại hóa, và 1 thì đề nghị chuyển kịch bản thành tiểu thuyết.[82]

Giải thưởng và xếp hạng

Tại lễ trao giải Oscar lần thứ 16 (1942), Casablanca giành tổng cộng 8 đề cử giải Oscar.[83][84] Bộ phim chiến thắng tại 3 hạng mục quan trọng là Phim hay nhất (cho Hal B. Wallis), Đạo diễn xuất sắc nhất (cho Michael Curtiz) và Kịch bản chuyển thể hay nhất (cho Julius J. Epstein, Philip G. EpsteinHoward Koch). Đây là giải Oscar đầu tiên của đạo diễn Michael Curtiz sau 3 lần đề cử vào các năm 1942 và 1938. Với Curtiz và Hal B. Wallis, đây đều là chiến thắng duy nhất của họ ở giải thưởng này. Với vai diễn xuất sắc của mình, Humphrey Bogart cũng có một đề cử ở hạng mục Vai nam chính xuất sắc nhất tuy nhiên tượng vàng cuối cùng lại được trao cho Paul Lukas, một đồng hương người Hungary của đạo diễn Curtiz, với vai diễn trong bộ phim Watch on the Rhine (tên tiếng Anh của bài hát Die Wacht am Rhein được nhắc tới trong trường đoạn nổi tiếng của Casablanca). Tuy là người được đứng tên nhận giải phim hay nhất nhưng Wallis lại không được giữ giải thưởng vì ông chủ hãng phim Jack Warner đã giữ lại tượng vàng, tức giận vì hành động này của Warner, Wallis đã cắt hợp đồng với hãng phim ngay tháng 4 cùng năm.[85][86]

Năm 1989, bộ phim đã được Viện lưu trữ phim quốc gia của Mỹ chọn vào danh sách bảo tồn của viện ngay trong đợt đầu tiên.[83][87] Trong các danh sách xếp hạng phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh, Casablanca thường xuyên được lựa chọn, ví dụ trong danh sách 100 phim hay nhất của Viện phim Mỹ, Casablanca đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng 1998 và thứ 3 trong bảng xếp hạng 2007. Những câu thoại nổi tiếng của bộ phim cũng thường được nhắc tới trong các danh sách câu thoại nổi tiếng, Danh sách 100 câu thoại đáng nhớ trong phim của Viện phim Mỹ có tới 6 câu thoại trích từ bộ phim: "Here's looking at you, kid." ("Nhìn em kìa, cô bé") (thứ 5), "Louis, I think this is the beginning of a beautiful friendship." ("Louis, tôi nghĩ rằng đây là sự bắt đầu của một tình bạn đẹp") (thứ 20), "Play it, Sam. Play 'As Time Goes By.'" (thứ 28), "Round up the usual suspects." (thứ 32), "We'll always have Paris." (Trong chúng ta luôn có Paris) (thứ 43) và "Of all the gin joints in all the towns in all the world, she walks into mine." ("Trong vô vàn những quán rượu ở mọi thành phố trên khắp thế giới này, cô ấy lại tới đúng chỗ của tôi") (thứ 67). Với 6 câu thoại, Casablanca là bộ phim có nhiều câu thoại đứng trong danh sách nhất, đứng trên Cuốn theo chiều gióThe Wizard of Oz.[88] Trong số 6 câu thoại thì "Here's looking at you, kid" không hề nằm trong kịch bản gốc mà nó xuất phát từ một câu nói ngẫu hứng của Bogart khi ông dạy Bergman chơi bài poker trong thời gian nghỉ giữa các cảnh quay.[89]

Danh sách giải thưởng và vị trí trong các bảng xếp hạng của Casablanca
Giải Oscar[83]
Phim hay nhất
(Hal B. Wallis)
Đoạt giải
Đạo diễn xuất sắc nhất
(Michael Curtiz)
Đoạt giải
Kịch bản chuyển thể hay nhất
(Julius J. Epstein, Philip G. EpsteinHoward Koch)
Đoạt giải
Vai nam chính xuất sắc nhất
(Humphrey Bogart)
Đề cử
Vai nam phụ xuất sắc nhất
(Claude Rains)
Đề cử
Quay phim đen trắng xuất sắc nhất
(Arthur Edeson)
Đề cử
Biên tập phim xuất sắc nhất
(Owen Marks)
Đề cử
Nhạc phim hay nhất
(Max Steiner)
Đề cử
Giải của Ủy ban quốc gia về phê bình điện ảnh[83]
Giải NBRMP cho phim hay nhất
(Hal B. Wallis)
Đề cử
Giải của Cộng đồng các nhà phê bình phim Las Vegas
Giải LVFCS cho DVD hay nhất
(Warner Home Entertainment)
Đoạt giải[90]
Giải của Ủy ban Quốc gia về Phê bình Điện ảnh
Top 10 (1943)Đoạt giải[91]
Vị trí trong các bảng xếp hạng của Viện phim Mỹ[92]
100 phim hay nhấtThứ 2 (năm 1998)
Thứ 3 (năm 2007)
100 phim rùng rợn và ly kỳThứ 37
100 phim tình cảmThứ 1
100 anh hùng trên phimThứ 4 (vai Rick Blaine)
100 ca khúc trong phimThứ 2 (bài As Time Goes By)
100 câu thoại6 câu thoại (thứ 5, 20, 28, 32, 43, 67)
100 phim truyền cảm hứngThứ 32

Chuyển thể

Sau khi bộ phim đạt được thành công lớn cả về nghệ thuật và doanh thu, các nhà sản xuất đã lập tức dự định về một phần tiếp theo của Casablanca. Phần kết này được dự định lấy tên Brazzaville, tên thành phố mà viên cảnh sát Renault nhắc tới ở cảnh cuối cùng, tuy vậy Brazzaville chưa bao giờ được đưa vào sản xuất thực sự. Cũng từng có những dự án làm lại bộ phim tuy nhiên không có dự án nào được hiện thực hóa, đạo diễn nổi tiếng người Pháp François Truffaut vào năm 1974 đã từ chối một dự án như vậy vì theo ông bộ phim đã trở thành một tác phẩm được sinh viên Mỹ tôn thờ.[93] Ở bên ngoài Hollywood, một nhà làm phim Ấn Độ của Bollywood là Rajeev Nath vào năm 2007 cũng đưa ra một dự án làm lại Casablanca như một cách tưởng nhớ tới bộ phim nổi tiếng.[94]

Đã có hai bộ phim truyền hình ngắn được sản xuất dựa trên Casablanca, chúng đều được coi là những phần trước của bộ phim. Loạt phim truyền hình đầu tiên được hãng ABC phát sóng trong hai năm 1955 và 1956 với Charles McGraw thủ vai Rick và Marcel Dalio thủ vai Renault. Đây là một trong các tác phẩm của chương trình Warner Bros. Presents[95] với tổng thời lượng các tập là 10 tiếng. Loạt phim thứ hai có tổng thời lượng 5 tiếng do đài NBC phát sóng năm 1983 với David Soul vào vai Rick còn Ray Liotta vào vai Sacha.[96] Casablanca còn được chuyển thể thành kịch truyền thanh nhiều lần trong đó đáng chú ý có vở kịch dài 30 phút phát trên The Screen Guild Theater vào ngày 26 tháng 4 năm 1943 với sự góp mặt của cả Bogart, Bergman và Henreid, hay phiên bản chuyển thể dài 1 tiếng phát trên Lux Radio Theater vào ngày 24 tháng 1 năm 1944 với Alan Ladd vào vai Rick còn Hedy Lamarr vào vai Ilsa. Biên kịch Casablanca là Julius Epstein từng hai lần dự định chuyển thể bộ phim lên sân khấu Broadway vào các năm 1951 và 1967 nhưng cả hai lần dự định của Epstein đều không thành hiện thực.[97] Vở kịch gốc của Casablanca là Everybody Comes to Rick's cũng từng được công diễn ở Newport, Rhode Island vào tháng 8 năm 1946 và Luân Đôn tháng 4 năm 1991 nhưng đều không phải là những vở diễn thành công.[98]

Casablanca được hãng Warner Bros. cho phép nhà văn Michael Walsh chuyển thể thành tiểu thuyết với tựa đề As Time Goes By, tác phẩm được xuất bản năm 1998.[99][100] Ngoài những tình tiết có trong phim, tiểu thuyết còn đề cập tới nhiều chi tiết khác không có trong Casablanca như quá khứ bí ẩn của Rick ở Mỹ. Tuy nhiên không giống như bộ phim gốc, tiểu thuyết As Time Goes By không phải là một tác phẩm thành công.[101]

Dạng phát hành khác

Cảnh phim trong phiên bản màu gây tranh cãi của Casablanca.

Trong thập niên 1980, Casablanca từng được chuyển thành phim màu trong một dự án gây nhiều tranh cãi.[102] Phiên bản màu này được phát sóng trên truyền hình và phát hành dưới dạng băng VHS tuy nhiên chúng không được người xem đón nhận. Con trai của Humphrey Bogart là Stephen đã nhận xét về dự án màu hóa bộ phim này như sau: "Nếu các ngài định màu hóa Casablanca thì tại sao không thêm tay cho Tượng thần Vệ Nữ?".[93][103]

Casablanca được Warner Home Video phát hành dưới dạng đĩa lade vào năm 1991 và băng VHS vào năm 1992. Tới năm 1997, bộ phim được hãng MGM phát hành dưới dạng đĩa DVD kèm theo đoạn phim giới thiệu và một phim tài liệu ngắn nói về quá trình sản xuất. Năm 2003 phiên bản DVD Casablanca đặc biệt gồm 2 đĩa được ra mắt công chúng, phiên bản này ngoài nội dung phim với hình ảnh được phục chế còn có phần bình luận và các phim tài liệu đính kèm.[104] Ngày 14 tháng 11 năm 2006, Casablanca được phát hành dưới dạng HD DVD với phần nội dung tương tự bản DVD năm 2003.[105] Phiên bản này được khen ngợi vì phần hình ảnh phim có chất lượng rất tốt.[106][107] Tới năm 2008, tới lượt phiên bản Blu-ray của Casablanca xuất hiện với một số phần kèm thêm mới.[108]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Casablanca (phim) http://www.abc.net.au/news/newsitems/200506/s13984... http://www.afi.com/ http://www.afi.com/members/catalog/DetailView.aspx... http://www.amazon.com/Casablanca-HD-DVD-Humphrey-B... http://www.amazon.com/Casablanca-Original-Motion-P... http://www.amazon.com/Casablanca-Two-Disc-Special-... http://www.americanheritage.com/content/casablanca http://www.bonhams.com/auctions/22196/ http://www.boxofficemojo.com/movies/?id=casablanca... http://www.cbsnews.com/stories/2006/05/31/ap/enter...